Xuất khẩu gạo năm 2022: Kỳ vọng được mùa, được giá

Xuất khẩu gạo năm 2022: Kỳ vọng được mùa, được giá

 Năm 2022 dự báo vẫn có nhiều cơ hội cho xuất khẩu (XK) gạo bởi nhu cầu của thế giới tăng, hơn nữa chất lượng gạo của Việt Nam được người tiêu dùng trên nhiều nước ưa chuộng.

Đột phá về giá và sản lượng

Theo thông tin từ Bộ Công thương, đến nay giá XK ổn định cùng chất lượng vượt trội đã tạo ưu thế cho XK gạo của Việt Nam ngay trong tháng đầu năm. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, XK gạo của Việt Nam trong tháng 1/2022 đạt 505.741 tấn với trị giá 246,02 triệu USD, tăng mạnh 45,4% về khối lượng, tăng 28,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu gạo năm 2022: Kỳ vọng được mùa, được giá
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu đạt
quy chuẩn xuất khẩu.

Ngay từ những ngày đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp (DN) đã "mở hàng" XK với các đơn hàng lớn, giá cao. Đây là tín hiệu vui cho thấy XK gạo năm nay tiếp tục lạc quan.

Điển hình, ngày 6/1/2022 tại Cảng TP.Hồ Chí Minh tàu quốc tế DONG HONG quốc tịch LYBRRIA đã bốc xếp 11.111 tấn gạo của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP. Cần Thơ) giao cho Hàn Quốc. Và mới đây, công ty này vừa XK 5 đơn hàng gạo thơm tới thị trường Đức, Malaysia, Qatar… với tổng sản lượng gần 1.000 tấn.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ: "Do XK gạo chất lượng cao nên giá rất tốt, khoảng 650 -1.000 USD/tấn, tùy thị trường. Dự kiến năm nay, ngành gạo sẽ "được mùa được giá", XK gạo có cơ hội tăng trưởng tốt hơn năm trước nhờ nhiều thị trường nhập khẩu trên thế giới bắt đầu hồi phục sau dịch Covid-19".

Bên cạnh đó, Công ty CP Nông sản Lộc Trời (thành viên của Tập đoàn Lộc Trời) cũng vừa hoàn tất giao đợt hàng đầu năm với khối lượng hơn 4.500 tấn, trị giá hơn 3 triệu USD cho nhiều thị trường lâu năm ở châu Âu (EU), châu Mỹ và châu Á. Lô hàng XK gồm: gạo thơm, gạo trắng, gạo lứt và nếp - đều là sản phẩm của quá trình tổ chức sản xuất, canh tác khoa học từ hạt giống đến hạt gạo với chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn của từng thị trường.

Từ kết quả kinh doanh, XK gạo trong tháng 1/2022 và những đợt hàng từ đầu năm đến nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo XK gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn đảm bảo trên 6 triệu tấn, tương đương hai năm liền trước. XK gạo trong năm 2022 được dự báo tiếp tục duy trì thứ hạng tốt do ngành lúa gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện về chất lượng (tỷ trọng gạo thơm tăng lên, năng suất lúa được cải thiện).

“Mục tiêu này đang đi đúng trọng tâm của ngành lúa là giảm sản lượng XK và tăng giá trị nhờ vào các chủng loại gạo chất lượng cao, giá cao, giúp tăng kim ngạch XK” – VFA khẳng định.

Xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu sẽ tăng mạnh

Theo đánh giá của các DN XK gạo, ngay từ đầu năm, XK gạo đã rất lạc quan, báo hiệu XK gạo năm nay sẽ có sự bứt phá mạnh hơn bởi nhiều yếu tố hậu thuẫn có lợi cho cả DN và người trồng lúa: Nhu cầu và giá lương thực trên thế giới tăng, sức chống chịu của DN tăng và đặc biệt là DN Việt Nam đã có thêm nhiều kinh nghiệm để ứng phó linh hoạt, sản xuất an toàn trong dịch Covid-19, đảm bảo nguồn cung phục vụ tiêu dùng trong nước và XK. Các DN cũng khẳng định, XK gạo sẽ tăng từ tháng 3/2022, khi vụ đông xuân cho thu hoạch rộ.

Ngoài thị trường truyền thống, VFA cũng dự báo, năm 2022 XK gạo của Việt Nam sang EU còn tăng khá. Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng EU.

VFA phân tích, thị trường EU hứa hẹn có nhiều tiềm năng và giá bán cao bởi hỗ trợ của Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA). Theo cam kết, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Cam kết này giúp Việt Nam mỗi năm có thể XK khoảng 100.000 tấn vào EU. Đặc biệt, đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm, mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có lợi thế để cạnh tranh với gạo của các nước khác khi XK vào thị trường này.

Bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty Lương thực thực phẩm Long An (công ty chuyên XK gạo sang hơn 30 thị trường, trong đó có thị trường EU) cho biết, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, giá XK gạo tăng cao hơn từ 10-20 UDS/tấn, tùy loại. Thực tế là trong năm 2021, giá gạo XK của Việt Nam xếp ở nhóm cao nhất trong các nước XK gạo truyền thống đã bù đắp cho lượng XK bị giảm sút do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Khả năng này có thể duy trì trong năm 2022 khi dịch Covid-19 vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhu cầu lương thực còn tiếp tục tăng cao mở ra cơ hội tăng trưởng XK gạo. Gạo Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi từ mức giá tăng chung trên thị trường thế giới.

Thực tế, với 27 nước thành viên, dân số khoảng 516 triệu người, GDP mỗi người dân trên 35.000 USD/năm, thị trường EU có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa, nhất là nông sản (mỗi năm nhập khẩu hơn 160 tỷ USD) từ khắp nơi trên thế giới. Với Việt Nam, đây là thị trường XK lớn thứ ba của mặt hàng nông sản, với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD/năm. Nhưng nông sản Việt mới chiếm 4% thị phần ngành hàng nhập khẩu này của EU, riêng gạo chỉ chiếm hơn 1% thị phần. Như vậy, dư địa XK gạo vào thị trường EU rất lớn.

Tuy nhiên, để XK gạo đạt giá trị cao hơn, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề chất lượng đóng vai trò rất quan trọng và để XK bền vững các DN cần tập trung đầu tư về vấn đề chất lượng, thương hiệu gạo.

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Đang xem: Xuất khẩu gạo năm 2022: Kỳ vọng được mùa, được giá

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng