Tại Hội nghị triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, các doanh nghiệp lớn như C.P Việt Nam, Amavet cho rằng thức ăn chăn nuôi tăng đột biến là một trong những yếu tố tạo nên sự biến động trồi sụt của ngành chăn nuôi trong thời gian vừa qua.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc CTCP Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết hiện ngô chiếm 45%, khô đậu 20%, lúa mì 5%, cám gạo, tấm 10% trong công thức phối trộn thức ăn chăn nuôi.
Tuy nhiên, từ tháng 9/2020 đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 30% kèm theo giá cước vận tải tăng phi mã, gây áp lực cho doanh nghiệp.
Cụ thể, trước dịch COVID-19 giá vận chuyển ngô từ Nam Mỹ về Việt Nam chỉ dao động 40 USD/tấn nay tăng lên 120 USD/tấn, gấp 3 lần.
“Giá thức ăn chăn nuôi tăng dẫn đến giá thành 1 kg thịt gà, thịt heo tăng thêm 20.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước”, ông Tuấn nói.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến giá thành sản phẩm tăng 20.000 đồng/kg. (Ảnh: Vinanet)
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhu cầu tiêu thụ giảm, đàn heo của doanh nghiệp quá lứa tồn ứ 30% trong chuồng.
“Giá heo hơi vẫn đang tăng tốt dù vẫn dưới giá thành, nhưng có những dấu hiệu khả quan trong thời gian tới. Vì vậy, những chính sách hỗ trợ về vốn cho nông dân tái đàn, phục hồi sản xuất vào thời điểm cuối năm là vô cùng cần thiết”, đại diện C.P Việt Nam nói.
Những ngày gần đây, giá heo hơi đang dao động 45.000 – 50.000 đồng/kg, bật tăng 15.000 – 20.000 đồng/kg so với tuần trước nhờ việc các tỉnh nới lỏng giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu dùng phục hồi.
Đại diện Cục Chăn nuôi dự báo giá heo hơi sẽ khôi phục mức 60.000 – 70.000 đồng/kg trong thời gian tới, nhưng khó chạm đỉnh 100.000 đồng/kg vì tổng đàn trong nước vẫn duy trì ở mức 28 triệu con, đảm bảo cung cấp thực phẩm cho người dân vào dịp Tết Nguyên đán.
Ông Nguyễn Văn Bách, Giám đốc CTCP kinh doanh thuốc thú y Amavet cho biết chi phí thức ăn chăn nuôi đang chiếm 65% giá thành sản xuất thịt gà, thịt heo.
Nghịch lý rằng Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng 90% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, nước ta cũng có đường bờ biển dài 3.000 km nhưng vẫn phải mua bột cá từ nước ngoài.
“Trong bối cảnh hội nhập WTO, mấu chốt của ngành chăn nuôi là giảm giá thành sản phẩm để có thể cạnh tranh với các thị trường khác”, ông Bách nói.
Đại diện Amavet đề xuất Cục Chăn nuôi và Cục Trồng trọt liên kết, có kế hoạch sản xuất cây nguyên liệu như ngô, đậu tương; Cục Chế biến cần tham gia cùng doanh nghiệp chế biến phụ phẩm nông nghiệp thành nguyên liệu, phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước.
Theo Doanh nghiệp Niêm Yết
Viết bình luận