Giữa mùa sống chậm, anh Nguyễn Tuấn Khởi và đồng đội tự ép bản thân phải thật nhanh để vận hành các dự án cộng đồng giúp người nghèo đang gặp khó.
Giưa trưa hè Sài Gòn nóng như thiêu đốt, có một chiếc xe con cứ mải mê lăn bánh. Bên trong xe, yên ghế được cất gọn sang hai bên, để khoảng trống chất chứa những suất ăn, tuy nhỏ gọn nhưng nặng nề tình cảm. Bên ngoài, chiếc xe bám đầy bụi đất, ghi dòng chữ “Food Bank Vietnam”.
Những chuyến xe mang thức ăn của Food Bank VN đều đặn mỗi ngày đến các bệnh viện, mái ấm.
Những chuyến xe như vậy được duy trì đều đặn trong suốt những ngày qua. Mỗi đợt hàng, xe chở thực phẩm đến tặng miễn phí cho 40 mái ấm, nhà mở, viện dưỡng lão,... khắp TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, cho các bệnh viện dã chiến, điểm lấy mẫu xét nghiệm và điểm tiêm vaccine,...
Food Bank VN bên cạnh các dự án Khách sạn cộng đồng, Bếp yêu thương, Tủ lạnh cộng đồng, Cơm di động miễn phí,... là những chương trình đang được anh Nguyễn Tuấn Khởi vận hành cùng các tình nguyện viên, mang yêu thương đến những người khó khăn, người ở tuyến đầu chống dịch.
Người lao động trong các xóm trọ, người ở mái ấm, nhà mở nhận thực phẩm hỗ trợ.
Đại bản doanh bị phong tỏa, chân vẫn cứ cuồng đi
Từ những ngày giãn cách đầu tiên, anh Khởi đã cho chạy hết công suất các chương trình thiện nguyện của mình. Anh chia sẻ: “Tôi có biết nhiều người bán vé số kiếm tiền ăn vừa đủ trong ngày, khi phải ở nhà họ sẽ ngay lập tức không có tiền mua thực phẩm.”
Anh Nguyễn Tuấn Khởi (áo xanh lá) cùng các bạn tình nguyện viên tại Bếp ăn Yêu thương.
Anh và đồng đội lao vào guồng, 4 giờ sáng nhận rau củ quả rồi sơ chế, 7 giờ bắt đầu nấu cơm, 9 giờ và 13 giờ đi giao cơm, chiều thì nhận thực phẩm để phân loại đến tối, có hôm nhận đến 15 tấn. Các chú xe ôm thất nghiệp được mời về làm shipper, tỏa đi mọi nẻo đường để trao cơm tận tay người cần.
Do đã quen mặt trong làng thiện nguyện cũng như cách điều phối hàng khoa học, chương trình của anh nhận được sự hợp tác của nhiều công ty, doanh nghiệp lớn, giúp kéo dài và ổn định. Được biết, bếp ăn của Food Bank VN mỗi ngày nấu hơn 10.000 suất cơm và hoạt động liên tục mà không bị đuối.
Những chú xe ôm thất nghiệp mùa dịch được mời làm shipper cho chương trình.
“Chúng tôi chủ động mở rộng mạng lưới và tạo ra các cách làm mới, giúp nguồn thực phẩm cho và nhận được duy trì liên tục. Chẳng hạn “Tủ lạnh cộng đồng” giúp bảo quản thực phẩm lâu hơn, người cho và người nhận được linh động thời gian hơn; hoặc đối với các công ty, doanh nghiệp lớn, chúng tôi không chỉ nhận nguyên liệu tươi mới, mà thực phẩm còn vài tháng hết hạn cũng gửi về để chế biến ngay, tránh lãng phí thức ăn,” anh nói.
Một ngày làm việc hết công suất tại bếp ăn, chuẩn bị giao hàng ngàn suất ăn cho người dân khắp thành phố.
Cuối tháng 7, kho trung tâm của Food Bank VN tại cầu Bình Triệu bị phong tỏa, toàn bộ nhân viên làm việc tại đây phải đi lấy mẫu xét nghiệm. Tuy vậy, chỉ vài ngày sau khi có kết quả âm tính, cả đội nhanh chóng “trở lại đường đua”, liên tục đạt các con số ấn tượng mới, trao ngay 150.000 phần ăn chất lượng cho y bác sĩ tuyến đầu.
Nói về kỷ niệm đáng nhớ, team không thể quên lá thư tay viết vội của cô bé Nguyễn Ngọc Dung, học sinh trường THCS Hiệp Bình, TP Thủ Đức. Dòng chữ nắn nót cảm ơn các cô chú, anh chị tại Bếp Yêu thương đã giúp gia đình em những phần ăn đủ chất, em hứa học thật giỏi để trở thành người có ích cho xã hội như các anh chị tại Food Bank.
Bắp nghĩa tình, khoai lang nhân ái, rau củ yêu thương
Ở thành phố, người ta xếp hàng mua thực phẩm tính toán kỹ từng đồng, ở địa phương khác, nông sản thu hoạch xong bị chất bỏ thành từng đống. Hóa ra, thức ăn không thiếu, chỉ là chưa được di chuyển từ nơi thừa sang nơi cần. Giúp thực phẩm lưu thông để giảm lãng phí là một sứ mệnh của Food Bank VN.
Đoàn viên thanh niên hỗ trợ thu hoạch nông sản tại vườn, sau đó mang lên xe chở về thành phố để bán.
Trong thời gian giãn cách, anh phối hợp với tỉnh đoàn các địa phương để tổ chức chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản. 20 tấn bắp được chuyển từ Đồng Tháp, An Giang và khoai lang được tiêu thụ hết veo trong vài ngày. Chương trình kêu gọi nhà hảo tâm giúp sức chi phí vận chuyển, nông sản được bán ra vừa gửi lại tiền cho nông dân, vừa đóng vào quỹ chung của những chương trình thiện nguyện.
Anh Tuấn Khởi và hàng tấn bắp vừa được thu mua từ các địa phương bị “tắc đầu ra”.
Nông sản, thủy hải sản từ những vùng bị “kẹt” đầu ra, cũng được vận chuyển về thành phố để đưa vào mô hình siêu thị chia sẻ hay Food Share. Tại “cửa hàng dã chiến” này, thực phẩm được bán theo combo chẵn tiền và dùng được trong nhiều ngày với giá bình ổn. Mô hình được đồng thực hiện với Sở Công Thương và Trung Tâm công tác xã hội Thanh thiếu niên Việt Nam.
“Siêu thị dã chiến” của Food Share tại Quận Bình Thạnh.
Anh cho biết: “Mô hình này ở nước ngoài rất phổ biến, họ có nhiều siêu thị chống lãng phí thực phẩm, bán đồ với giá rẻ dành cho người khó khăn không thể tiếp cận nguồn thực phẩm trong khi các doanh nghiệp sản xuất, nông trại vì nhiều lý do mà chưa thể bán được hàng, hàng tồn kho rất lớn.”
Hiện tại, Food Share mở bán offline tại 67 Nguyễn Hữu Cảnh, giao online tại các quận TP.HCM. Bằng cách điều phối hàng hóa khéo léo, nguồn hàng của siêu thị luôn dồi dào ở đủ các nguồn, từ nông sản được hỗ trợ tiêu thụ từ bà con các tỉnh đến các doanh nghiệp lớn như CP Việt Nam,...
Khách sạn hạng sang làm hậu phương chống dịch
Bên cạnh việc lo bữa ăn, anh Khởi còn phối hợp với bạn bè, đối tác của mình để mở những khách sạn 0 đồng, lo chỗ ở miễn phí cho người vô gia cư, người tuyến đầu chống dịch không thể về nhà, đoàn y tế từ các tỉnh bạn vào chi viện cho TP.HCM.
Ban tổ chức dự án “Khách sạn cộng đồng” và lực lượng tuyến đầu chống dịch tại Khách sạn Hoàng Anh Star.
Dự án “Khách sạn cộng đồng” được anh bắt đầu với Khách sạn Ambassador (Quận 1), sau đó mở rộng thêm tại Khách sạn Bảo Long (Quận Gò Vấp) và mới nhất là Khách sạn Hoàng Anh Star (Quận 12).
Các khách sạn này đều sở hữu nội ngoại thất sang trọng, hàng chục phòng trống với giường êm nệm ấm, đầy đủ tiện nghi như tủ lạnh, điều hòa, khăn tắm, vệ sinh cá nhân,... sẵn sàng phục vụ cho các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch đến nghỉ ngơi.
Khách sạn cộng đồng đầu tiên được mở tại Khách sạn Ambassador.
Khách sạn được đội khử khuẩn lưu động hỗ trợ phun xịt hằng ngày. Những người lưu trú tại khách sạn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định chung về phòng, chống dịch như hạn chế tối đa việc đi lại ngoài hành lang, không tụ tập đông người, không qua lại giữa các phòng, tuyệt đối tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế.
Ngày 2/8, khách sạn Hoàng Anh Star đã đón tiếp đoàn y bác sĩ tỉnh Điện Biên vào chi viện cho bệnh viện Dã chiến số 2 Quận 12 và các lực lượng phòng, chống dịch đang hoạt động trên địa bàn quận.
Khách sạn đầy đủ tiện nghi mở cửa đón tuyến đầu chống dịch vào ở miễn phí.
Ý tưởng được xuất phát trong một cuộc nói chuyện với người bạn làm khách sạn, rằng mùa dịch không có khách đến lưu trú, thay vì để phòng trống thì có thể tận dụng để góp chút công sức vào công cuộc chống dịch chung của toàn xã hội.
Giọt máu đào vượt qua khó khăn chưa từng có
Những ngày giãn cách xã hội, các bệnh viện và viện huyết học rơi vào nguy cơ thiếu trầm trọng nguồn máu dự trữ do không có người đến hiến. Các bệnh viện thông báo cạn nguồn máu liên tục, nhất là ở TP.HCM và các địa phương miền Nam.
Anh Tuấn Khởi tham gia hiến máu giữa mùa dịch Covid-19.
Trong gần 20 năm làm thiện nguyện, anh Khởi và Công ty VTVCorp của mình đã tổ chức thành công ngày hội hiến máu suốt 9 năm. Với tên gọi “Hành Trình Đỏ”, chiến dịch được tổ chức định kỳ vào tháng 7 dưới sự chủ trì của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Năm 2021, chiến dịch chỉ tiếp nhận được 30% lượng máu dự kiến. Trước thực tế đáng báo động, Hành Trình Đỏ ngay lập tức lập phương án xe di động, đến tận nơi người cần hiến máu, giúp quá trình diễn ra dễ dàng, thuận tiện mà vẫn tuân thủ quy định phòng chống dịch.
Chiến dịch “Hành trình Đỏ” đạt nhiều con số ấn tượng dù gặp khó khăn trong mùa dịch.
Bằng cách làm sáng tạo đưa xe di động đến tận nơi, chiến dịch đã lập nên kỷ lục với gần 3.000 đơn vị máu được cung cấp chỉ trong ngày 3/8 vừa qua. Hiện tại, chương trình đang được tổ chức và cập nhật lịch trình liên tục, giúp người dân linh động hơn trong việc hiến máu cứu người.
Nói về những công việc đang làm, anh Tuấn Khởi chia sẻ: “Phải đi vào tận nơi ở, phòng trọ của người nghèo, mới thấy được họ khó khăn ra sao.” Tất cả các chương trình thiện nguyện của anh đều được duy trì suốt đợt dịch lần thứ 4, như anh đã làm suốt 16 năm qua.
Theo Du lịch TPHCM
Viết bình luận